Soạn Văn lớp 10 Bộ kết nối tri thức với cuộc sống | Văn bản 5: Mùa xuân chín (Bài 2: Vẻ đẹp thơ ca)

Ngày 07/11/2022 09:08:00, lượt xem: 2646

Bài 2:  VẺ ĐẸP THƠ CA

Văn bản 5:  MÙA XUÂN CHÍN (Hàn Mặc Tử)

 

 

NGHE AUDIO BÀI SOẠN VĂN TẠI ĐÂY

 

Câu 1. Nhan đề bài thơ “Mùa xuân chín” được cấu tạo bởi những từ thuộc từ loại nào và có thể gợi ra cho bạn những liên tưởng gì?

Nhan đề bài thơ được cấu tạo bởi sự kết hợp giữa danh từ (mùa xuân) và tính từ chỉ trạng thái (chín). Sự kết hợp này đem lại những liên tưởng và cảm nhận bất ngờ. Bởi “mùa xuân” là danh từ trừu tượng, chỉ một đối tượng vô hình, phi vật thể (thời gian), trong khi “chín” là một trạng thái vật chất cụ thể của sự vật. Với kết hợp từ này, hình tượng mùa xuân hiện lên gợi cảm, quyến rũ. Đó là một mùa xuân ở độ chín tới đầy viên mãn, ngọt ngào. Đây sẽ là trạng thái thẩm mĩ nổi bật của mùa xuân được mô tả trong bài thơ của Hàn Mặc Tử.

Câu 2. Trạng thái “chín” của mùa xuân trong bài thơ được thể hiện bằng những từ ngữ nào?

Trong bài thơ, trạng thái “chín” của mùa xuân được thể hiện bằng những tính từ, động từ mô tả màu sắc, âm thanh, sự quyến rũ của cảnh sắc và vẻ đẹp con người, cụ thể: làn nắng ửng, khói mơ, lấm tấm vàng, tà áo biếc, sóng cỏ xanh tươi, tiếng ca vắt vẻo, hổn hển thầm thĩ, ý vị, thơ ngây, ….

Câu 3. Hãy nhận xét về ngôn từ của bài thơ trên hai khía cạnh sau:

- Bài thơ có những sự lựa chọn và kết hợp ngôn từ nào khiến bạn đặc biệt chú ý? Hãy nói cụ thể hơn cảm nhận của bạn về điều này.

- Ngôn từ của bài thơ đã gợi lên một khung cảnh mùa xuân như thế nào?

Bài thơ có nhiều cách kết hợp ngôn từ độc đáo. Chẳng hạn cách kết hợp danh từ trừu tượng (mùa xuân) với những tính từ chỉ trạng thái vật chất, cụ thể (chín); cách sử dụng tính từ và từ láy gợi cảm giác ngọt ngào, êm ái, tình tứ (lấm tấm vàng, nắng chang chang,...); cách sử dụng biện pháp đảo ngữ (Sột soạt gió trêu tà áo biếc), ẩn dụ, nhân hóa (Tiếng ca vắt vẻo lưng chừng núi/ Hổn hển như lời của nước mây) và kĩ thuật điệp âm (trắng/nắng/chang chang);... Tóm lại, ngôn từ của bài thơ đã gợi nên một mùa xuân chín rực rỡ, đầy sự sống, sức sống.

Câu 4. Mô tả cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ. Chỉ ra những chỗ mà cách ngắt nhịp, gieo vần này có thể gây được ấn tượng đặc biệt với người đọc (chú ý đến vai trò của các dấu câu, sự biến hóa của cách ngắt nhịp, vị trí gieo vần). Từ đó, hãy so sánh mức độ chặt chẽ trong cách ngắt nhịp và gieo vần trong bài thơ này với một bài thơ trung đại làm theo thể Đường luật.

- “Mùa xuân chín” được viết theo thể thất ngôn, nhưng không giới hạn ở tám dòng như trong thơ Đường luật. Bài thơ gieo vần chân, kết hợp với vần chính và vần thông (vần gần giống nhau). Cách sử dụng câu thơ khá linh hoạt. Có khi câu thơ bị ngắt ra làm đôi bởi dấu chấm, ví dụ: “Trên giàn thiên lí. Bóng xuân sang”. Hoặc xen giữa  những câu thơ mang hình thức trần thuật, là hình thức câu hỏi, chẳng hạn: “Khách xa, gặp lúc mùa xuân chín/ Lòng trí bâng khuâng sực nhớ làng/ - Chị ấy, năm nay còn gánh thóc/ Dọc bờ sông nắng trắng chang chang?”

- So với thơ Đường luật, ví dụ bài “Thu hứng” của Đỗ Phủ, cách ngắt nhịp và gieo vần của bài “Mùa xuân chín” uyển chuyển, phóng túng hơn. Chúng góp phần thể hiện mạnh mẽ tiếng nói cảm xúc cái “tôi” cá nhân Hàn Mặc Tử, một đại diện xuất sắc của thời đại Thơ mới.

 

ĐỌC THÊM SOẠN VĂN LỚP 10 BỘ KẾT NỐI TRI THỨC VỚI CUỘC SỐNG | VĂN BẢN 4: THU HỨNG (BÀI 2: VẺ ĐẸP THƠ CA)

 

Câu 5. Con người trong bài thơ hiện diện qua những hình ảnh nào? Hình ảnh nào gắn với nhân vật trữ tình?

Con người trong bài thơ hiện diện qua nhiều hình ảnh, chẳng hạn qua “tà áo biếc”, qua “tiếng ca”, lời “thầm thĩ”, … Nhân vật trữ tình tự gọi mình là “khách xa”, đối tượng quan sát của nhân vật trữ tình là những “cô thôn nữ hát trên đồi”, gợi nhớ tới hình ảnh người chị gánh thóc “Dọc bờ sông trắng nắng chang chang?” trong tâm tưởng.

Câu 6. Hình ảnh, nhịp và vần trong bài thơ có mối liên hệ như thế nào với mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình?

Hình ảnh, nhịp và vần trong bài thơ có mối liên hệ chặt chẽ với mạch cảm xúc của nhân vật trữ tình. Chúng gợi nên những cảm xúc yêu thương, trìu mến và đồng thời như thoáng một chút nỗi xót thương thầm lặng đối với cảnh vật và con người trong bức tranh mùa xuân chín.

Câu 7. Hãy nêu cảm nhận của bạn về nhân vật trữ tình trong bài thơ.

Nhân vật trữ tình trong bài thơ là con người hết sức nhạy cảm, có khả năng phát hiện ra những độ sắc tinh tế, đẹp đẽ của cảnh sắc thiên nhiên và con người. Đấy cũng là con người nặng lòng với tình quê, tình người. Nhân vật trữ tình cũng là người giàu cảm thông và lòng trắc ẩn trước những giá trị đẹp đẽ nhưng dễ phôi pha như cảnh sắc thiên nhiên, tình yêu, tuổi trẻ, …

 

ĐỒNG HÀNH CÙNG CHỊ TRONG KHÓA HỌC VĂN VIP LỚP 10 ĐỂ KHÔNG LO LẮNG TRƯỚC CHƯƠNG TRÌNH MỜI NHÉ!

Cập nhật thêm những bài viết hay tại các kênh truyền thông của HVCH:

Fanpage:  Học văn chị Hiên

Youtube: Học văn chị Hiên - Youtube 

IG: Học văn chị Hiên

Tiktok: Học văn chị Hiên

Tin liên quan